ĐIỀU TRỊ TRẠNG THÁI ĐỘNG KINH: THỜI GIAN LÀ NÃO
Khi bệnh nhân có cơn động kinh hoặc những cơn động kinh kéo dài hơn một khoảng thời gian xác đinh, họ được xem là bị trạng thái động kinh (status epilepticus). Với tỷ lệ mắc phải khoảng 15-20/100,000 người, trạng thái động kinh (TTĐK) là cấp cứu nội thần kinh phổ biến nhất trên thế giới, cần được xử lý tích cực. Trung bình, khoảng 20% các trường hợp sẽ tử vọng; bài báo tổng hợp gần đây cho thấy tỷ lệ tử vong trong TTĐK về lâu dài là 22% ở trẻ em và 57% ở người lớn.
Năm 2015, Hiệp hội chống động kinh quốc tế (ILAE) xác định thời gian để chẩn đoán TTĐK như sau:
- 5 phút cho các cơn co cứng- co giật toàn thể
- 10 phút cho các cơn co giật cục bộ
- 10-15 phút cho các cơn vắng ý thức
Đa số bệnh nhân bị TTĐK không có tiền sử động kinh, nhưng nguy cơ bị động kinh sau khi bị TTĐK là 22-40% trong các quần thể nghiên cứu hỗn hợp người lớn và trẻ em.
Có nhiều nguyên nhân gây TTĐK: đột quỵ, nhiễm trùng, chấn thương và rối loạn chuyển hóa. Ở trẻ em, sốt cũng là yếu tố nguyên nhân.
Phương thức điều trị phổ biến được đề nghị: thuốc đầu tay sử dụng là benzodiazepines đường tĩnh mạch, sau đó là thuốc chống động kinh đường tĩnh mạch nếu cần thiết. Khoảng 65% bệnh nhân sẽ đáp ứng với cách thức điều trị này.
THỜI GIAN LÀ NÃO
Nếu điều trị được bắt đầu càng sớm, cơ hội thành công càng cao, và tỷ lệ di chứng càng thấp.
Sau 30 phút (đối với co giật toàn thể) hoặc 60 phút (đối với co giật cục bộ), nếu các cơn co giật vẫn tiếp tục cho dù đã sử dụng hai thuốc chống động kinh (AED), bệnh nhân được xem là có TTĐK kháng trị. Khi đó, tỷ lệ tử vong có thể là 38%. Phác đồ điều trị hiện tại khuyến cáo chuyền liên tục thuốc gây mê qua đường tĩnh mạch, nhưng hiện tại vẫn còn thiếu các bằng chứng y học trong việc hướng dẫn và cải thiện việc xử lý TTĐK.
Các lựa chọn điều trị
Chỉ có một ít thuốc được thông qua để điều trị TTĐK, hầu hết các thuốc đó là an thần (sedatives). Ở Hội nghị Động kinh châu Âu lần thứ 13 tổ chức ở Vienna, Áo vào tháng 8/2018, một số thuốc sau đây được xem là có tiềm năng trong điều trị TTĐK:
Lacosamide: Các nghiên cứu hồi cứu cho thấy tỷ lệ thành công là 40-60%, độc tính của thuốc thấp.
Brivaracetam: Được sử dụng cho co giật cục bộ. Cũng đã được sử dụng cho TTĐK và tỷ lệ đáp ứng là 30%
Perampanel: Thuốc chặn thụ thể AMPA không cạnh tranh, có thể sử dụng, nhưng chưa có dạng truyền tĩnh mạch, dữ liệu cho thấy hiệu quả điều trị TTĐK thấp (5-20%).
Stiripentol: Tỷ lệ hiệu quả là 30-50% và độc tính thấp, nhưng thuốc dạng truyền tĩnh mạch vẫn chưa có.
Neurosteroids: Các hợp chất như allogregnanolone (brexanolone) được thử nghiệm ở phase I/II cho thấy tỷ lệ đáp ứng là 77%. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu ở phase III cho thấy sử dụng brexanolone không có hiệu quả khi so với giả dược ở 132 bệnh nhân.
Ketamine thường được dùng cho những trường hợp TTĐK kéo dài >24h cho dù đã điều trị bằng các thuốc an thần và chống động kinh truyền tĩnh mạch, tình trạng này được gọi là TTĐK siêu kháng trị. 26 nghiên cứu trên 303 bệnh nhân bị TTĐK siêu kháng trị cho thấy ketamine có hiệu quả trong 74% số bệnh nhân.
Đối với TTĐK kháng trị, không có sự đồng thuận trong cách tiếp cận tốt nhất. Do tính quan trọng của việc cần kiểm soát nhanh chóng TTĐK, các biện pháp can thiệp mạnh mẽ hơn có thể được xem xét, chẳng hạn chuyển từ việc dùng thử từng thuốc một như hiện tại sang sử dụng đồng thời nhiều thuốc. Nghiên cứu trên mô hình động vật cho thấy sử dụng đồng thời các AED có thể hiệu quả hơn việc sử dụng lần lượt các AED, mặc dù dữ liệu lâm sàng còn thiếu.
BS. Trương Văn Trí lược dịch
Nguồn: https://www.ilae.org/journals/epigraph/epigraph-vol-20-issue-2-fall-2018/time-is-brain-treating-status-epilepticus