THỜI ĐIỂM NGƯNG THUỐC Ở BỆNH NHÂN ĐỘNG KINH
Bệnh nhân bị động kinh và đã không lên cơn trong ít nhất hai năm có thể cân nhắc ngừng sử dụng thuốc chống động kinh. Việc ngừng điều trị này nên được xem xét sau khi đánh giá về tác hại và lợi ích, và chỉ nên ngưng thuốc sau khi thảo luận với bác sĩ chuyên khoa thần kinh.
Nguy cơ chính liên quan đến việc ngừng thuốc chống động kinh là tái phát cơn động kinh. Động kinh tái phát sau khi ngưng thuốc xảy ra ở 26–63% trường hợp, tùy thuộc vào nhóm bệnh nhân. Nguy cơ tái phát cơn động kinh xảy ra cao nhất trong vòng 6–12 tháng đầu sau khi ngừng thuốc, nhưng vẫn tăng đáng kể trong nhiều năm sau đó.
Động kinh tái phát có thể gây ra những hậu quả tàn khốc về thể chất, tâm lý và xã hội. Những điều này có thể bao gồm thương tích, mất sự tự tin vào bản thân, sự kỳ thị của những người xung quanh, thất nghiệp và không được phép lái xe.
Một số bệnh nhân sẵn sàng ngừng thuốc chống động kinh ngay cả khi nguy cơ tái phát là đáng kể, trong khi những người khác sợ cơn động kinh quay trở lại và quyết định tiếp tục dùng thuốc chống động kinh. Một nghiên cứu cho thấy hơn một nửa số bệnh nhân muốn tiếp tục dùng thuốc chống động kinh cho dù đã hết động kinh trong hai năm. Họ cảm thấy đã thích nghi tốt với cách điều trị của mình và lo ngại về khả năng cơn động kinh tái phát sau khi ngưng thuốc và hậu quả sau đó là mất giấy phép lái xe hoặc thậm chí là mất việc làm.
Đặc điểm động kinh luôn là 1 yếu tố cần xem xét trước khi đưa ra quyết định ngừng thuốc. Cho dù đã nhiều năm không lên cơn động kinh, nhưng nguy cơ tái phát cơn động kinh là đặc biệt cao đối với bệnh nhân động kinh giật cơ thiếu niên(juvenile myoclonic epilepsy) hoặc động kinh khu trú có nguyên nhân tổn thương ở não bộ (là những bệnh động kinh phổ biến nhất ở người lớn).
Người bệnh cần hiểu rõ những vấn đề tiềm ẩn có thể xảy ra sau khi ngừng điều trị, đặc biệt là hậu quả của việc tái phát.
Nếu bệnh nhân bị co giật sau khi ngừng điều trị, họ vẫn có cơ hội kiểm soát được cơn động kinh bằng cách tiếp tục dùng thuốc. Tuy nhiên, có tới 20% bệnh nhân không kiểm soát được lập tức và có một số bệnh nhân, có thể phải mất vài năm mới kiểm soát được cơn động kinh trở lại.
Ngưng thuốc sau phẫu thuật động kinh
Phẫu thuật cắt bỏ ổ động kinh nhằm mục đích loại bỏ vùng động kinh và mang lại cơ hội chữa khỏi động kinh cho bệnh nhân. Nguy cơ tái phát cơn động kinh sau khi ngừng dùng thuốc chống động kinh là 1/3 đối với những bệnh nhân không còn cơn động kinh sau phẫu thuật. Không có hướng dẫn nào về việc cai thuốc chống động kinh sau phẫu thuật ở những bệnh nhân không bị cơn động kinh. Thông lệ thực hành rất khác nhau giữa các trung tâm động kinh, tuy nhiên, một năm không lên cơn động kinh là khung thời gian phổ biến. Quyết định có dừng thuốc chống động kinh hay không và khi nào phải tùy thuộc vào từng cá nhân. Nó phụ thuộc vào loại phẫu thuật động kinh, nguyên nhân của bệnh động kinh, mức độ cắt bỏ hoàn toàn và thái độ của bệnh nhân đối với việc ngừng thuốc. Điều này thường được thảo luận như một phần của việc chăm sóc hậu phẫu tại trung tâm điều trị bệnh động kinh.
Đo điện não đồ trước khi quyết định dừng thuốc là xét nghiệm cần thiết.
Kết luận
Quyết định tiếp tục hay ngừng thuốc chống động kinh ở người lớn động kinh đòi hỏi phải có sự đánh giá tác hại-lợi ích ở từng cá nhân. Nguy cơ tái phát cơn động kinh phụ thuộc vào một số yếu tố và có các công cụ để đánh giá điều này ở từng bệnh nhân. Các khía cạnh xã hội như lái xe và việc làm, cũng như các yếu tố cảm xúc và yếu tố cá nhân, phải được xem xét cẩn thận cùng với các tác dụng phụ và tương tác thuốc. Vai trò của bác sĩ là cung cấp thông tin chi tiết để giúp bệnh nhân đưa ra quyết định sáng suốt và phù hợp trong từng trường hợp cụ thể.
BS. Trương Văn Trí lược dịch
Nguồn: Hanka Laue-Gizzi, Discontinuation of antiepileptic drugs in adults with epilepsy, Australian Prescriber, 2021
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8075746/