TÌNH CỜ PHÁT HIỆN U TUYẾN YÊN KHI ĐI KHÁM ĐAU ĐẦU, BẠN CẦN PHẢI LÀM GÌ?
DỊCH TỄ HỌC
Thuật ngữ “u tuyến yên ngẫu nhiên” (pituitary incidentaloma) đề cập đến khối u ở tuyến yên được phát hiện tình cờ trên phim MRI hoặc CT scan. Trong số những người lớn được chụp CT scan hoặc MRI vì những lý do không liên quan triệu chứng hoặc bệnh tuyến yên (ví dụ đau đầu do căng thẳng), tần suất phát hiện tình cờ hình ảnh bất thường ở tuyến yên (<10 mm) khoảng từ 4% đến 20% trên phim CT và 10% đến 38% trên phim MRI.
Không phải tất cả các cấu trúc bất thường được phát hiện tình cờ ở tuyến yên đều là u. Trong một nghiên cứu về 61 cấu trúc bất thường được phát hiện tình cờ ở tuyến yên trên 1000 mẫu khám nghiệm tử thi thì có 37 u nang Rathke, 18 u tuyến yên và 2 trường hợp tuyến yên tăng kích thước, 2 nhồi máu và 2 xuất huyết. Tuy nhiên, u tuyến yên là khá phổ biến trong các sang thương được phát hiện tình cờ ở tuyến yên. Một nghiên cứu tổng hợp số liệu từ 29 nghiên cứu khám nghiệm tử thi tiến hành trên 18000 tuyến yên cho thấy tần suất phát hiện u tuyến yên là khoảng 10%, và gần như tất cả các u được phát hiện là u tuyến yên nhỏ (kích thước <10 mm). Không có sự khác biệt về tần suất phát hiện giữa nam và nữ và giữa các nhóm tuổi ở người lớn.
ĐẶC ĐIỂM
Loại u tuyến yên
Trong 1 nghiên cứu trên 328 bệnh nhân bị u tuyến yên được phát hiện tình cờ, các chẩn đoán sau đây đã được xác định:
-179 bệnh nhân (55 %) bị u tuyến yên không tiết nội tiết (nonfunctioning adenoma)
-47 bệnh nhân (14 %) bị nang Rathke tuyến yên
-37 bệnh nhân (11%) bị u tuyến yên tiết prolactin
-16 bệnh nhân (5 %) u tuyến yên tiết hoc-môn tăng trưởng (GH)
-7 bệnh nhân (2 %) u tuyến tiết hoc-môn ACTH
-Hơn một nửa bệnh nhân bị thiếu một hoặc nhiều nội tiết tố
Trong một nghiên cứu theo dõi 131 bệnh nhân tình cờ phát hiện u tuyến yên cho thấy 30 người bị suy sinh dục, 13 người bị suy giáp và 9 người bị suy thượng thận thứ phát.
TIẾN TRIỂN CỦA U TUYẾN YÊN
Thông tin về sự tiến triển của u tuyến yên không hoạt động (còn gọi là u tyến yên không tiết hoc-môn) có phần hạn chế. Tuy nhiên, những người có u ≥10 mm thì thì u có thể sẽ tăng kích thước, trong khi những u <10 mm thì nguy cơ u phát triển là rất thấp.
Trong một nghiên cứu tổng hợp dữ liệu lấy từ 865 bệnh nhân có khối u tuyến yên không tiết được phát hiện tình cờ cho thấy u ≥10 mm thì khả năng u tăng kích thước trong quá trình theo dõi cao hơn khoảng bốn lần so với u <10 mm.
Theo dõi 177 bệnh nhân có u tuyến yên không tiết hoc-môn được phát hiện tình cờ (kích thước trung bình 4 mm) bằngchụp cộng hưởng từ trong khoảng thời gian theo dõi trung bình là 5 năm cho thấy 63% bệnh nhân có u không thay đổi hoặc giảm kích thước. Tuy nhiên, có 49 bệnh nhân (28%) có u tăng kích thước, nhưng tốc độ tăng kích thước của là chậm với mức tăng tối đa là 6 mm.
ĐÁNH GIÁ VÀ XỬ TRÍ
U yên tuyến yên ≥10 mm
-Làm các xét nghiệm đánh giá xem bệnh nhân có bị tình trạng tăng tiết và giảm tiết nội tiết tố (suy tuyến yên) hay không.
-Đối với những bệnh nhân bị u tuyến yên tiết hoc-môn sinh dục và các u tuyến yên không tiết nhưng gây giảm thị lực hoặc các triệu chứng thần kinh khác thì nên được phẫu thuật.
-Đối với bệnh nhân bị u tuyến yên ≥10 mm và có các triệu chứng liên quan đến tăng tiết nội tiết tố (ví dụ tăng prolactin máu, hội chứng Cushing, bệnh to đầu chi…) thì cần được điều trị theo từng thể bệnh cụ thể (phẫu thuật kết hợp nội khoa, tùy từng trường hợp).
-Đối với bệnh nhân có tổn thương tuyến yên ≥10 mm không có triệu chứng thần kinh hoặc không có biểu hiện tăng tiết nội tiết tố, nên theo dõi định kỳ bằng xét nghiệm nội tiết tố (đối với cả tăng tiết và giảm tiết) và chụp cộng hưởng từ tuyến yên vào thời điểm 6 và 12 tháng trong năm đầu tiên. Sau đó hàng năm nếu nội tiết và lâm sàng ổn định.
-Đối với bệnh nhân có tổn thương tuyến yên ≥20 mm gây suy giảm thị lực hoặc các triệu chứng thần kinh khác, nên được phẫu thuật để giảm kích thước u . Tuy nhiên, nếu bệnh nhân không có triệu chứng thần kinh và bệnh nhân lớn tuổi và/hoặc có nguy cơ cao khi phẫu thuật thì có thể chọn giải pháp theo dõi.
U tuyến yên < 10 mm
-Tùy theo biểu hiện lâm sàng mà chỉ định xét nghiệm nội tiết và sinh hóa phù hợp cho từng bệnh nhân. Không nhất thiết phải định lượng tất cả các loại nội tiết tố.
-Bệnh nhân có u không tăng tiết hoc-môn thì có thể xử trí như sau:
- Đối với những bệnh nhân có tổn thương đường kính từ 2 đến 4 mm, không cần thực hiện thêm các xét nghiệm khác, việc làm thêm các xét nghiệm khác dường như cũng không thay đổi kết quả điều trị và diễn biến của bệnh nhân.
- Đối với những người có tổn thương có đường kính từ 5 đến 9 mm, chụp MRI hàng năm trong hai năm đầu; nếu tổn thương ổn định trong giai đoạn này, tần suất có thể giảm xuống vài năm một lần rồi tăng dần khoảng cách giữa các lần chụp
BS. Trương Văn Trí lược dịch
Nguồn: Peter J Snyder, Pituitary incidentalomas, Uptodate (updated April 2023)
https://www.uptodate.com/contents/pituitary-incidentalomas?search=pituitary%20cyst&source=search_result&selectedTitle=2~150&usage_type=default&display_rank=2