Close

Bệnh lý cột sống

Bệnh lý cột sống

SAU 50 NĂM: XỬ TRÍ NANG TARLOV CÓ GÌ THAY ĐỔI?

Nang Tarlov được đặt tên theo Isadore Max Tarlov, người đã mô tả nang này vào năm 1938. Giả thuyết cho rằng quá trình viêm diễn ra bên trong rễ thần kinh, tiếp theo là hiện tượng tích tụ dịch bên trong khu vực quanh dây thần kinh là nguyên nhân chính tạo ra nang. Tarlov cho rằng nang này có thể gây ra đau thần kinh tọa, vì vậy khảo sát vùng cột sống cùng nên được xem xét khi các nguyên nhân được biết của đau thần kinh tọa đã được loại trừ trong quá trình phẫu thuật. Ý nghĩa lâm sàng và điều trị nang Tarlov vẫn tiếp tục là chủ đề tranh cãi trong giới phẫu thuật viên thần kinh.

CHỈ LÀ SỰ PHÁT HIỆN TÌNH CỜ HAY BỆNH LÝ THẬT SỰ?
Tỷ lệ nang Tarlov là 1,5-9% nhưng chỉ khoảng 1% bệnh nhân có nang Tarlov có triệu chứng có thể liên quan đến nang, bao gồm:
-Đau lưng
-Đau theo rễ
-Đi lặc cách hồi
-Rối loạn chức năng bàng quang/ ruột
-Rối loạn chức năng tình dục
-Đau vùng cùng cụt
-Yếu chân
-Rối loạn cảm giác chi dưới
Nang Tarlov gây triệu chứng vẫn là một chẩn đoán loại trừ vì triệu chứng lâm sàng của bệnh lý này giống nhiều bệnh lý khác, đau lưng và chân vẫn là một thử thách trong chẩn đoán và điều trị.
Từ năm 1938 đến nay, vẫn chưa có đồng thuận về xử trí nang Tarlov. Điều trị gồm các phương pháp:
-Điều trị đau bằng thuốc (NSAIDS hoặc steroid)
-Dẫn lưu nang qua da, bơm keo fibrin qua da
-Đặt shunt dẫn lưu (thắt lưng-phúc mạc, nang-khoang dưới nhện, nang-phúc mạc)
-Vi phẫu thuật
Nghiên cứu về nang Tarlov ít và chủ yếu dựa trên nghiên cứu hồi cứu các case series hoặc case report với cỡ mẫu nhỏ, nên vẫn chưa đưa ra được khuyến cáo về phương pháp điều trị nên chọn lựa.

NGÀY CÀNG CÓ NHIỀU BẰNG CHỨNG CHỐNG LẠI VIỆC PHẪU THUẬT
Năm 2019, một nghiên cứu meta-analysis so sánh phẫu thuật với không phẫu thuật nang Tarlov được tiến hành. Số liệu tổng hợp trên 750 bệnh nhân lấy từ 38 nghiên cứu (32 nghiên cứu về phẫu thuật (333 bệnh nhân), 6 nghiên cứu về can thiệp qua da (417 bệnh nhân)) được phân tích, cho thấy tỷ lệ cải thiện triệu chứng ở cả hai nhóm phẫu thuật và không phẫu thuật là tương tự nhau, 83,5%. Biến chứng sau mổ là cao hơn rõ rệt ở nhóm phẫu thuật. Biến chứng nặng bao gồm : 9% dò dịch não tủy, 17% đau thần kinh tọa thoáng qua, 11% rối loạn chức năng tình dục, 5% nhiễm trùng vết mổ và 18% các biến chứng khác (chảy máu tĩnh mạch, hạ áp lực nội sọ thoáng qua, nang thanh dịch, chảy máu tiểu não và viêm tiền liệt tuyến). Ở nhóm không phẫu thuật, 3% dò dịch não tủy, 8% đau thần kinh tọa thoáng qua và 3% biến chứng khác (viêm màng não vô khuẩn, phản ứng dị ứng đối với keo) được ghi nhận.
Tỷ lệ tái phát triệu chứng tương tự nhau ở hai nhóm : 21% ở nhóm phẫu thuật và 20% ở nhóm không phẫu thuật. Tỷ lệ tái phát nang cao hơn ở nhóm không phẫu thuật (20%) so với nhóm phẫu thuật (8%). Nhưng không có khác biệt về sự tái phát triệu chứng ở cả hai nhóm điều trị.

XEM XÉT THỦ THUẬT QUA DA ĐỐI VỚI NANG TARLOV
Hơn 50 năm sau khi được mô tả lần đầu tiên, phẫu thuật viên thần kinh vẫn còn hiểu rất ít về nang Tarlov và chưa biết phương pháp điều trị nào là lý tưởng cho bệnh cảnh này. Điều trị ban đầu nên là thuốc NSAIDS hoặc steroid. Thủ thuật, chẳng hạn như dẫn lưu qua da hoặc bơm keo fibrin qua da có thể xem xét nếu điều trị bằng thuốc không hiệu quả. Mặc dù nang có thể tái phát nhưng thủ thuật can thiệp qua da vẫn đem đến hiệu quả cải thiện triệu chứng tương tự phương pháp phẫu thuật về dài hạn và tránh được các biến chứng phẫu thuật. Cần thêm nghiên cứu để có thể đưa ra một hình mẫu điều trị giống như các bệnh lý khác trong lĩnh vực phẫu thuật thần kinh. Hơn nữa, cần tính toán đến chi phí điều trị cũng như cân nhắc lợi ích và rủi ro nếu phẫu thuật, vì nó có thể dẫn đến những biến chứng đáng kể trong khi đó nguy cơ tái phát triệu chứng vẫn còn đó.
BS. Trương Văn Trí lược dịch
Nguồn: Fadi Sweiss, Michael Rosner, “50 Years Later: Current Management of Tarlov Cyst”, AANS Neurosurgeon: Volume 28, Number 2, 2019
https://aansneurosurgeon.org/features/50-years-later-current-management-of-tarlov-cyst/