Close

Bệnh lý cột sống

Bệnh lý cột sống

ĐIỀU TRỊ TRƯỢT ĐỐT SỐNG THẮT LƯNG: PHẪU THUẬT GIẢI ÉP ĐƠN THUẦN CÓ TỐT HƠN PHẪU THUẬT LÀM CỨNG CỘT SỐNG? KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU TỪ 426 BỆNH NHÂN

Tổng quan
Trượt đốt sống thắt lưng do thoái hóa là nguyên nhân chính gây đau lưng, có tỷ lệ khoảng 11,5% dân số ở Mỹ. Bệnh nhân trượt đốt sống thắt lưng có triệu chứng, nếu điều trị nội khoa thất bại, phẫu thuật sẽ được chỉ định. Phương pháp phẫu thuật có thể là cắt bản sống giải ép đơn thuần hoặc giải ép kết hợp làm cứng cột sống hoặc chỉ làm cứng cột sống mà không giải ép. Nghiên cứu của Ghogawala cho thấy giải ép kết hợp với làm cứng cột sống cho kết quả tốt hơn là giải ép đơn thuần, nhưng nghiên cứu của Forsth lại cho thấy giải ép kết hợp làm cứng cột sống không đem lại kết quả tốt hơn so với giải ép đơn thuần.
Do đó, nhóm tác giả tiến hành nghiên cứu tiến cứu này để góp phần làm sáng tỏ vấn đề trên.
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu được thực hiện tiến cứu trên 426 bệnh nhân lấy từ dữ liệu 12 000 bệnh nhân trên toàn nước Mỹ trong thời gian 2012 đến 2017. Bệnh nhân được chọn vào mẫu nghiên cứu thỏa mãn điều kiện sau: trượt đốt sống thắt lưng độ I theo phân độ của Meyerding, được phẫu thuật bằng lối sau tại tầng bị trượt: giải ép đơn thuần hoặc làm cứng cột sống kèm giải ép hoặc làm cứng cột sống đơn thuần (không cắt bản sống giải ép).
Kết quả
342 bệnh nhân (80,3%) được phẫu thuật làm cứng (có giải ép hoặc không) và 84 (19,7%) bệnh nhân được giải ép đơn thuần. Theo dõi cho thấy, không có sự khác nhau giữa hai nhóm về tỷ lệ nhập viện lại trong vòng 3 tháng (3,5% vs 1,2%, p= 0,45) và tỷ lệ mổ lại sau 12 tháng (4,4% vs 6,0%, p= 0,93). Ở thời điểm 12 tháng, nhóm được phẫu thuật làm cứng có kết quả chức năng (Oswestry Disability Index) tốt hơn nhóm được mổ giải ép đơn thuần (p=0,04).

Kết luận
Đối với trượt đốt sống thắt lưng độ I có triệu chứng, bất kỳ chiến lược phẫu thuật nào được thực hiện (phẫu thuật giải ép đơn thuần, phẫu thuật giải ép kết hợp làm cứng cột sống hay chỉ phẫu thuật làm cứng cột sống mà không kèm giải ép) đều giúp cải thiện rõ rệt về chức năng, tình trạng đau lưng, đau chân và chất lượng sống ở thời điểm 12 tháng sau mổ. Tuy nhiên, phẫu thuật làm cứng cột sống cho kết quả tốt hơn về chức năng ở thời điểm 12 tháng so với mổ giải ép đơn thuần. Mặc dù nhóm phẫu thuật làm cứng có tỷ lệ mổ lại thấp hơn so với nhóm được giải ép đơn thuần nhưng sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê.
BS. Trương Văn Trí lược dịch
Nguồn: Chan et al, “Laminectomy alone versus fusion for grade 1 lumbar spondylolisthesis in 426 patients from the prospective Quality Outcomes Database”, Journal of Neurosurgery Spine 30: 234-241, 2019
https://thejns.org/spine/view/journals/j-neurosurg-spine/30/2/article-p234.xml