NGUYÊ N NHÂN TỬ VONG ĐỘT NGỘT Ở BỆNH NHÂN ĐỘNG KINH
Đầu tháng 7/2019, Cameron Boyce, ngôi sao điện ảnh Dysney đột ngột tử vong. Gia đình của Boyce xác nhận diễn viên này bị động kinh và các bác sỹ cho rằng có thể Boyce nằm trong số các trường hợp tử vong đột ngột ở bệnh nhân động kinh (Sudden Unexpected Death in Epilepsy-SUDEP). Đây là biến chứng hiếm gặp ở bệnh nhân động kinh, xảy ra trong hoặc sau khi bệnh nhân lên cơn co giật (seizure), mổ tử thi các bệnh nhân này không thấy bất kỳ sự thay đổi nào về cấu trúc hoặc tình trạng nhiễm độc.
SUDEP xảy ra với tỷ lệ 1-2/1000 bệnh nhân bị động kinh mạn tính và 3-9/1000 ở những bệnh nhân động kinh nặng, kháng trị. Thường gặp ở độ tuổi 20-40.
BS. William Nobis và cộng sự tại Trung tâm Y khoa Đại học Vanderbilt cho biết: “SUDEP rất khó để phát hiện và thường bị bỏ qua khi xảy ra. Nguyên nhân cụ thể chưa xác định được nhưng rối loạn hô hấp dẫn đến rối loạn tuần hoàn và ngừng tim được tin là cơ chế dẫn đến tử vong ở các bệnh nhân này”.
Trong một nghiên cứu mới được công bố, BS. Nobis cho rằng có mối liên hệ giữa hạnh nhân (amygdala) và thân não, sự hoạt hóa mạng lưới hạnh nhân (amygdalar networks) có liên quan đến tình trạng ngưng thở trung tâm (central apnea) xảy ra trong cơn co giật.
Vai trò của hạnh nhân
Nghiên cứu trên động vật và lâm sàng cho thấy có mối liên hệ chức năng giữa hạnh nhân và hô hấp ở người, có thể một nhân nào đó ở hạnh nhân đóng vai trò chủ chốt trong việc điều hòa hô hấp.
Trong nghiên cứu gần đây, các nhà nghiên cứu theo dõi tình trạng ngưng thở ở các bệnh nhân được đo điện não đồ nội sọ (intracranial EEG) tại Bệnh viện Northwestern Memorial, kết quả cho thấy ngưng thở xảy ra ở thời điểm 2,7±0,4 giây sau khi sóng động kinh lan đến hạnh nhân, sớm hơn nhiều so với tình trạng ngưng thở xảy ra sau khi sóng động kinh lan đến hải mã (10,2±0,7 giây, p<0,01). Kết quả này cho thấy hạnh nhân có vai trò trong kiểm soát hô hấp tự chủ và tình trạng rối loạn hô hấp khi co giật xảy ra.
Phòng ngừa SUDEP
BS. Nobis cho biết, cho đến nay, biện pháp duy nhất có thể làm để phòng ngừa SUDEP là kiểm soát tình trạng động kinh. BS Nobis khuyên: “Uống thuốc chống động kinh, ngủ ngon, không dùng rượu bia, kiểm soát sự căng thẳng. Nói chung, đừng làm việc gì có thể tạo điều kiện cho cơn động kinh xảy ra”.
Hiệp hội Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã thông qua việc sử dụng đồng hồ thông minh (smart watch) – Embrace- để phát hiện các cơn co giật và lập tức báo cho người chăm sóc sức khỏe biết thông qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh. Cũng có một ứng dụng khác để theo dõi các cơn co giật, hoạt động và tình trạng nghỉ ngơi hàng ngày của bệnh nhân. Bs. Nobis cho rằng các thiết bị này tốt và các bệnh nhân trẻ sẽ sử dụng trong tương lai.
BS. Nobis và ekip nghiên cứu nhận thấy ngưng thở khi co giật xảy ra thường xuyên hơn so với những gì mà chúng ta đã nghĩ. Dựa trên những phát hiện mới về sự liên quan giữa tình trạng ngưng thở và hạnh nhân, mhóm nghiên cứu hy vọng trong tương lai sẽ tìm được thuốc hoặc thủ thuật điều chỉnh thần kinh (neuromodulatory intervention) nhắm đến đường liên kết này và những phương pháp tiếp cận mới khác nhằm phòng ngừa SUDEP.
BS. Trương Văn Trí dịch
Nguồn:
1.News Wise, SUDEP: Untangling the Causes. (https://www.newswise.com/articles/sudep-untangling-the-causes)
2.Nobis et al, “The effect of seizure spread to the amygdala on respiration and onset of ictal central apnea”, Journal of Neurosurgery, 05 April , 2019
https://thejns.org/view/journals/j-neurosurg/aop/article-10.3171-2019.1.JNS183157.xml
Nobis et al, “Amygdala‐stimulation‐induced apnea is attention and nasal‐breathing dependent”, Annals of Neurology, 08 February, 2018
https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1002/ana.25178