Close

Bệnh lý cột sống

Bệnh lý cột sống

TRƯỢT ĐỐT SỐNG DO THOÁI HÓA: NÊN PHẪU THUẬT HAY ĐIỀU TRỊ NỘI KHOA, KẾT QUẢ SAU 8 NĂM THEO DÕI

Tổng quan
Trượt đốt sống do thoái hóa (degenerative spondylolisthesis (DS)) kèm với hẹp ống sống có triệu chứng, thường được điều trị bằng phẫu thuật giải ép và làm cứng đốt sống. Nghiên cứu công bố trước đây cho thấy sau 4 năm theo dõi, bệnh nhân bị DS được phẫu thuật cải thiện tốt hơn về tình trạng đau (lưng và chân) và chức năng so với điều trị bảo tồn, tức là đối với bệnh lý DS có triệu chứng, phẫu thuật cho kết quả điều trị tốt hơn so với điều trị bảo tồn (nội khoa kết hợp vật lý trị liệu). Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy những lợi ích ban đầu của phẫu thuật so với nội khoa trong điều trị bệnh lý DS có thể giảm dần theo thời gian. Do đó, các tác giả tiến hành nghiên cứu này nhằm trả lời câu hỏi liệu sau 8 năm sau mổ, bệnh nhân DS vẫn có kết quả tốt hơn so với điều trị bảo tồn? Đồng thời cũng nhằm so sánh kết quả điều trị giữa các phương pháp phẫu thuật khác nhau khi thực hiện cho bệnh nhân bị DS.

Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu được tiến hành ở 13 trung tâm y khoa ở Mỹ, bao gồm một nhóm tham nghiên cứu đối chứng ngẫu nhiên và một nhóm tham gia nghiên cứu quan sát (observational cohort) (nhóm quan sát gồm những bệnh nhân từ chối tham gia nghiên cứu ngẫu nhiên, tức là họ chủ động chọn phương pháp điều trị cho mình: phẫu thuật hoặc bảo tồn). Bệnh nhân được chọn nghiên cứu là bệnh nhân bị DS và hẹp ống sống trên phim, có biểu hiện đi lặc cách hồi hoặc triệu chứng rễ thần kinh ở chân kéo dài ít nhất 12 tuần, không chọn bệnh nhân bị trượt đốt sống do tiêu eo vào nghiên cứu này.

Kết quả
Có tổng cộng 607 bệnh nhân tham gia nghiên cứu (304 tham gia nghiên cứu đối chứng ngẫu nhiên và 303 ở nghiên cứu quan sát). Ở nhóm nghiên cứu ngẫu nhiên, có 159 bệnh nhân được mổ và 145 bệnh nhân được điều trị bảo tồn (trong 4 năm sau đó, có 54% trong 145 bệnh nhân này xin được chuyển qua phẫu thuật). Trong 303 bệnh nhân ở nhóm quan sát, ban đầu có 173 bệnh nhân chọn phẫu thuật và 130 bệnh nhân chọn bảo tồn, 38% trong số 130 bệnh nhân điều trị bảo tồn sau đó chuyển qua phẫu thuật trong vòng 8 năm theo dõi.
Phân tích dữ liệu cho thấy, bệnh nhân được phẫu thuật có kết quả tốt hơn hẳn so với bệnh nhân được điều trị bảo tồn trong thời gian theo dõi 8 năm.
Bệnh nhân được phẫu thuật giải ép và làm cứng đốt sống bằng ghép xương sau bên nhưng không bắt nẹp vit, bệnh nhân được phẫu thuật giải ép và làm cứng đốt sống bằng ghép xương sau bên kết hợp nẹp vít nhưng không đặt miếng ghép đĩa đệm, và bệnh nhân được giải ép và làm cứng đốt sống bằng nẹp vít kết hợp hàn xương thân liên đốt bằng miếng ghép đĩa đệm có kết quả điều trị không khác nhau.

Kết luận
Đối với bệnh nhân DS có triệu chứng, phẫu thuật giúp bệnh nhân cải thiện triệu chứng đau và chức năng vận động tốt hơn rõ rệt so với điều trị bảo tồn.
Kỹ thuật làm cứng cột sống không ảnh hưởng đến kết quả điều trị.
BS. Trương Văn Trí lược dịch
Nguồn: William A. Abdu và cs, “Long-Term Results of Surgery Compared With Nonoperative Treatment for Lumbar Degenerative Spondylolisthesis in the Spine Patient Outcomes Research Trial (SPORT)”, Spine Volume 43, No. 23, pp 1619-1630, 2018
https://insights.ovid.com/crossref?an=00007632-201812010-00002